Xử lý sự cố website

Xử lý sự cố website nói về xử lý các sự cố trong quá trình vận hành như: quên pass admin, bị tấn công, bị virus, web chạy chậm, quên pass…


Các sự cố liên quan đến hệ thống, kỹ thuật

Quên gia hạn tên miền

Đây là 1 lỗi trầm trọng. Vì tên miền rất quan trọng với doanh nghiệp:

  • Tên miền có thể xem là địa chỉ “online”, là đại diện thương hiệu cho doanh nghiệp.
  • Tên miền là duy nhất và chỉ có một chủ sở hữu trong một thời điểm.
  • Rất nhiều dịch vụ hoạt động phụ thuộc vào tên miền, như web, mail, fpt, chat…

Nguyên nhân:

  • Trước khi hết hạn, nhà cung cấp luôn gửi mail/sms cho chủ thể. Nếu thông tin về chủ thể (email, phone) không đúng, sẽ dẫn đến không nhận được thông báo từ nhà cung cấp.
  • Cũng có khi nhận được thông báo từ nhà cung cấp domain, nhưng không quan tậm xử lý gia hạn domain, dẫn đến quên luôn.

Để phòng tránh:

  • Khi nhận được thông báo gia hạn, cần thực hiện ngay.
  • Khi (email, phone) trên tên miền có sự thay đổi (thông tin của nhân viên cũ chẳng hạn…)  phải cập nhật ngay

Quên gia hạn hosting

Đây cũng là lỗi trầm trọng, vì nó dẫn đến tình trạng bị mất toàn bộ dữ liệu website. Trong hosting có những gì?

  • Hosting chứa toàn bộ mã nguồn lập trình của website.
  • Hosting chứa toàn bộ dữ liệu tạo ra khi website vận hành, như: danh sách bài viết, danh sách sản phẩm, danh sách khách hàng, các hình ảnh, media, bình luận …

Nguyên nhân:

  • Trước khi hết hạn, nhà cung cấp luôn gửi thông báo. Nếu thông tin (email, phone) không đúng, sẽ dẫn đến không nhận được thông báo từ nhà cung cấp.
  • Cũng có trường hợp nhận được thông báo từ nhà cung cấp hosting, nhưng lại không xử lý gia hạn hosting rồi quên luôn.

Để phòng tránh:

  • Khi nhận được thông báo gia hạn, cần thực hiện ngay.
  • Khi (email, phone) trên hosting có sự thay đổi (của nhân viên cũ…)  phải cập nhật ngay trong với nhà cung cấp.

Website bị lỗi vượt quá băng thông

Băng thông là tổng lưu lượng dữ liệu truyền từ server đến người dùng trong 1 tháng. Nguyên nhân xảy ra lỗi này là do bạn mua các gói hosting có giới hạn băng thông, và chưa hết tháng đã đủ băng thông.

Tình trạng khi lỗi xảy ra, không ai có thể xem website được. Tất cả đều thấy thông báo Bandwidth Limit Exceeded.

Bandwidth Limit Exceeded

Xử lý:

  • Liên hệ nhà cung cấp để mua thêm băng thông (nếu họ có cung cấp dịch vụ này)
  • Liên hệ nhà cung cấp để mua gói hosting có băng thông cao hơn.
  • Giảm bớt độ lớn hình ảnh/audio/video trong website.

Website bị tấn công DDOS

DDoS là viết tắt của Distributed Denial of Service – tấn công từ chối dịch vụ. Kẻ tấn công tạo nên hàng triệu request truy cập đến website cùng một lúc khiến website tê liệt.

Đây là một hình thức tấn công đơn giản nhưng rất khó nhận biết và ngăn chặn. Hacker phát tán mã độc và biến các máy tính cá nhân nhiễm mã độc thành Zombies, tiếp tay cho hacker tấn công một website (Victim)

Cách nhận biết:

  • Website hết Bandwidth một cách bất thường.
  • Website truy cập chậm một cách bất thường.

Xử lý:

  • Liên hệ ngay cho nhà cung cấp hosting, nhờ họ xử lý.
  • Nhà cung cấp sẽ phân tích và ngăn chặn các hướng tấn công nhằm vào website.
  • Bởi vậy, vai trò, khả năng của nhà cung cấp hosting là rất quan trọng.

Website bị hack

Tình trạng: website gặp phải một trong các tình huống sau:

  • Trang chủ website bị đổi giao diện.
  • Khi vào trang chủ bị chuyển sang trang web độc hại khác.
  • Tài khoản quản trị bị đổi mật khẩu

Nguyên nhân :

  • Tồn tại các lỗ hổng bảo mật do lỗi lập trình website như: SQL Injection , XSS…
  • Website bị nhiễm mã độc và hacker lấy được mật khẩu quản trị.
  • Admin tự ý cài đặt các modules, plugins vào website từ các nguồn không rõ ràng.

Xử lý

  • Hãy upload lại toàn bộ source code website từ bản backup.
  • Các form (đăng nhập, liên hệ, đăng ký, bình luận…) thường là cánh cửa để hacker tấn công vào website. Nếu có thể thì loại bỏ các form này.
  • Thay đổi username và password của tất cả tài khoản quản trị.
  • Liên hệ với nhà cung cấp hosting để nhờ hỗ trợ.

Đề phòng trước

  • Định kỳ backup website để có thể hồi phục website khi bị hack.
  • Web developer phải có kiến thức bảo mật web khi lập trình, tránh các lỗi sơ đẳng SQL Inject, XSS…
  • Web Admin tìm hiểu các kiến thức về bảo mật Web, đặc biệt các lỗi SQL Injection, XSS…

Web hiện không tốt trên các loại thiết bị

Đây là tình huống dễ gặp trong xử lý sự cố website nhưng không dễ xử lý ngay được. Tình huống là: website rất đẹp khi xem trên laptop, desktop. Nhưng truy cập bằng smartphone hay tablet thì website bị vỡ bố cục. Hình ảnh và text bị lộn xộn.

Nguyên nhân: Lỗi do kỹ thuật định dạng CSS quá cứng nhắc, không lập trình để định dạng trang trên mọi loại thiết bị

Xử lý: Bạn thử đưa cách xử lý nhé.

Xử lý sự cố website liên quan đến cấu hình, dữ liệu

Dữ liệu không chính xác

Dữ liệu không chính xác là lỗi dễ xảy ra trong quá trình vận hành website. Một vài tình huống khiến dữ liệu website không chính xác:

  • Nhập sai giá bán của sản phẩm.
  • Mời khách hàng đến hội thảo nhưng ghi sai ngày.
  • Sai chính tả trong các bài viết, sản phẩm
  • Xoá nhầm dữ liệu (bài viết, category, sản phẩm…)

Tuỳ tình huống, dữ liệu không chính xác có thể ảnh hưởng đến uy tín, tài chính công ty.

Xử lý: bạn thử đưa cách giải quyết nhé.

Thông tin trên website đã lỗi thời

Là tình huống thông tin trên website đã cũ, không còn giá trị sử dụng. Một vài tình huống thường gặp như sau:

  • Địa chỉ, điện thoại của công ty trên website không còn đúng nữa do công ty đã thay đổi văn phòng .
  • Email các bộ phận không còn chính xác do đã có thay đổi .
  • Cấu trúc các phòng ban không đúng do đã có điều chỉnh trong quá trình hoạt động.
  • Form Liên hệ không hoạt động đúng do email nhận liên hệ đã thay đổi.

Xử lý: bạn thử đưa ra cách xử lý nhé.

Quên pass Admin

Quên pass admin là lỗi khá phổ biến trong xử lý sự cố website. Nhiều khả năng bạn sẽ gặp đó nhé. Nguyên nhân có thể là do mật khẩu quá phức tạp hoặc rất lâu mới vào lại admin hoặc bất cẩn (mới đổi quên ngay)… Cách xử lý cũng không phải là khó:

  • Dùng chức năng Lost Password để có pass mới – nếu website có tính năng này.
  • Vào quản trị hosting => MySQL Databases => vào table danh sách user để thực hiện đổi mật khẩu.
  • Dùng lại bản backup database có chứa mật khẩu cũ.
  • Bạn đề xuất thêm cách khác nhé.

Website không chạy

Trang chủ không hiện gì cả , hoặc có khi thông báo lỗi 404 hoặc 500.

Giải thích: Lỗi 404 là thông báo tài nguyên trang web không tìm thấy. Lỗi 500 là lỗi nội tại trong server. Đây là các lỗi khá phức tạp, do nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân chính:

  • Bạn vừa code hoặc cấu hình sai ở chỗ nào đó.
  • Vô tình xóa/di chuyển các file quan trọng của website.

Xử lý: Mời Bạn thử đưa ra cách xử lý nhé.

Google báo có virus trong website

Mỗi khi người xem truy cập 1 website, Chrome sẽ kiểm tra địa chỉ website có nằm trong danh sách “đen” (black list) của Google Safe Browsing hay không. Nếu có, Chrome sẽ báo ngay với trang web nền đỏ như hình.

Thật tai hại nếu website của bạn bị lỗi này vì ai cũng thấyvà cũng không thể lập tức xử lý sự cố website này ngay được.

Nguyên nhân: Website chứa mã độc hoặc có chứa nhiều đoạn mã phức tạp mà Google nghi ngờ. Cách xử lý:

  • Vào google.com/safebrowsing/diagnostic?site=YourDomain.com và nhập domain vào để kiểm tra trình trạng nhiễm mã độc của website.
  • Quét virus toàn bộ website ngay, dùng công cụ của nhà cung cấp hosting nếu họ có . Hoặc down toàn bộ website về máy cá nhân để quét.
  • Đổi ngay username và password của toàn bộ tài khoản admin. Mật khẩu mới phải dài và phức tạp hơn.
  • Kiểm tra kỹ các file có tên index.* , default.*, .htaccess trên host và gỡ bỏ các đoạn iframe nếu có.
  • Nếu cần, có thể dùng lại bản backup mã nguồn trước đó.
  • Báo cho Google sau khi xử lý để gỡ bỏ

Sau khi xử lý để có source sạch , bạn thực hiện gỡ bỏ cảnh báo:

  • Vào https://google.com/webmasters/tools và thêm url website của bạn.
  • Tải 1 file web tĩnh  google……html do google tạo ra
  • Upload file HTML vừa tải lên hosting, trong folder public_html hoặc htdocs
  • Nhấn nút Verify để xác mình website của mình
  • Vào mục Health => Malware => chọn “Request a review” để gửi yêu cầu Google xem xét .
  • Thời gian thường khoảng 72h. Nếu Google thấy vẫn còn mã độc sẽ gửi báo cáo và cho biết các đường dẫn bị nhiễm và loại mã độc đang tồn tại trên website.
  • Bạn tiếp tục xử lý theo cảnh báo để loại bỏ toàn bộ mã độc và thực hiện lại “Request a review”

Website hoạt động quá chậm

Website thường xuyên hoạt động chậm sẽ làm mất thời gian của mọi người, mất khách hàng.

Nguyên nhân:

  • Bạn mua gói hosting rẻ, server cũ.
  • Server hosting ở quá xa người dùng.
  • Nội dung trang web quá lớn: chứa nhiều hình, video dung lượng  lớn.

Xử lý:

  • Nếu hosting rẻ, server cũ thì thực hiện nâng cấp.
  • Nếu Server ở quá xa thì chuyển nhà cung cấp hosting.
  • Nếu nội dung trang web lớn: Dùng công cụ Developer Tool để phân tích kích thước các tài nguyên (hình, nhạc, video) trong trang, loại bỏ những cái có size lớn. Thường size các file hình chỉ nên <=1MB là tốt

Phân tích kích thước các tài nguyên trong trang web:

B1: Mở Chrome và nhập địa chỉ của trang

B2: Gõ phím F12 để mở Developer Tool, rồi nhắp tab Network

B3: Gõ phím Ctrl-F5 nạp lại toàn trang và quan sát cột Size để biết kích thước từng tài nguyên trong trang

Bài viết chỉ đề cập đến xử lý sự cố website khá phổ biến. Vẫn còn các lỗi nhỏ khác chưa được nói đến, Bạn sẽ xử lý chúng khi gặp nhé.

Nếu muốn có thể tham khảo thêm các website khác

https://about.gosite.com/blog/website-problems , https://paradoxmarketing.io/capabilities/search-engine-optimization/insights/top-12-most-common-website-problems-and-how-to-fix-them/